Tình yêu thật sự là gì?

Tình yêu thật sự là gì?
Tình yêu thật sự không phải là cảm xúc, dù nó thường đến cùng những cảm xúc mạnh đến mức làm con người choáng ngợp. Tình yêu không thể kéo dài nếu hai người chỉ có cảm xúc với nhau.



Năm 1986. Tại Nông trường Tân Tiến.
Trong hội trường, các các bộ, nhân viên tập trung đông đủ. Chủ tịch hợp tác xã bước vào, hình ảnh cán bộ mẫu mực, áo sơ mi cũ sờn, đóng gọn gẽ với chiếc quần bộ đội, trên đầu đội chiếc mũ cối xanh, tay cắp chiếc cặp.Ông luôn tự hào về năng lực dẫn dắt của mình, vì đơn vị nhiều năm liền luôn đạt danh hiệu thi đua xuất sắc. Thấy ông, không khí xôm tụ nói chuyện xung quanh giảm đi đôi chút.
“Đề nghị các đồng chí ổn định lại chỗ ngồi, để chúng ta bắt đầu” Chủ tịch đứng ở bàn làm việc đặt giữa hội trường.
Mọi người tự chỉnh đốn lại tư thế về chỗ ngồi, ngay ngắn chăm chú nhìn đồng chí chủ tịch.
Giống như nhiều cuộc họp trước, ông lại bắt đầu bằng câu quen thuộc, ngợi ca thành tích của nông trường. Sau vài phút đầu yêu ắng, thì đôi người đã bắt đầu nói chuyện riêng. Phúc và Tấn hai chàng trẻ kỹ sư sửa máy, nói xấu ông cán bộ đang luyên thuyên phát biểu nội dung nhiều năm như một, không thêm được gì mới mẻ. Cả hai còn cố tình diễn tả theo cái điệu bộ đọc tròn vành rõ chữ của ông ta, rồi cười ngặt nghẽo với nhau.
“Mời hai cậu Phúc và Tấn bước lên đây” Chủ tịch hợp tác xã gọi to.
“Chết cha, không lẽ lão ta thấy hai đứa mình ngồi đây không chú ý mà đùa lão nhỉ?” Phúc nói nhỏ, hất tay vào hông Tấn.
“Tao biết đâu, sao nay lão tinh thế nhỉ. Có bị viết bản tự kiểm điểm thái độ không nghiêm túc trong cuộc họp không nhỉ” Tấn lí nhí.
Cả hai mặt cúi cúi, đi chậm chạp từ dãy bàn cuối lên phía trên. Mọi người xung quanh, khuôn mặt ai nấy đều tò mò nhìn hai kỹ sư hay bông đùa của nông trường.
“Nào hai cậu đi nhanh lên, nghiêm chỉnh lên đây tôi có việc quan trọng cần thông báo” Chủ tịch hợp tác xã đưa tay vẫy.
Hai kỹ sư trẻ lên trên bục đứng mà vẫn chưa hiểu điều gì sảy ra. Thái độ của ông chủ tịch khác hẳn với kiểu tức giận.
“Hai đồng chí khác nghe rõ điều tôi sắp thông báo đây : Hai cậu chuẩn bị thu xếp để chuyển công tác nhé”
“Ơ, nhưng chúng em nào có làm gì sai, bao năm qua vẫn làm tốt công tác sao lại bị chuyển đi thế này” Phúc và Tấn hoang mang.
Chủ tịch hợp tác xã xua xua tay “Không, không phải, là thế này. Chẳng là bên trên có khen ngợi hợp tác xã chúng ta nhiều năm qua luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua. Công lao của các cậu là không nhỏ đâu đấy. Nên sẽ có thưởng.
Còn chuyển công tác là do bên huyện bạn mới thành lập hợp tác xã dệt may, ban đầu mọi việc còn khó khăn. Bên đấy có lời mời hai cậu qua giúp họ trong việc tu sửa, và lắp ráp trang thiết bị để vận hành cho tốt ấy mà. Các cậu qua đó vài tháng, khi nào người ta ổn định, lại về. Có đi luôn đâu mà hoảng thế.”
Nghe xong chủ tịch nói Phúc và Tấn nhẹ cả người, tự hào nhận phần thưởng.
Lúc kết thúc cuộc họp bác chủ tịch Lắm còn gặp riêng hai người, cặn kẽ nói tình hình của hợp tác xã huyện bạn và nhắn nhủ một câu nho nhỏ khiến cả hai không khỏi phấn khởi, muốn khởi hành đến huyện bạn sớm. Bác Lắm có nói “Con gái bên huyện đấy là đẹp nhất tỉnh mình đấy, nếu được các cậu ráng mà kiếm vợ luôn đi nhé.” Rồi vỗ vai động viên hai người.”



Cả hai khăn gói, đèo nhau bằng xe đạp nửa ngày trời mới qua tới hợp tác xã huyện bên. Được sắp xếp ở khu tập thể dành cho nhân viên.
Quanh quẩn trong khu tập thể suốt mấy ngày trời, để đợi phân công việc, đi ra đi vào nghe toàn trẻ con mấy phòng bên khóc nhè và tiếng ru con não lòng. Không thấy đâu ra các cô xinh tươi như bác Lắm nói.
Một hôm, khi Phúc đang loay hoay lau chùi lại dụng cụ, Tấn từ đâu chạy về mặt hậm hực, vứt lên bài túi thịt bé tí teo. Mặt vẫn còn đỏ gay, tay dựa vô tường thở hồng hộc.
“Mày bị sao vậy? Như thể mấy bà thím ra đường ăn thua đủ vì miếng thịt thừa” Phúc bật cười trước điệu bộ của thằng bạn.
“Không tức sao được, mình bị lão Lắm lừa rồi mày” Tấn tức tưởi.
“Lừa chuyện gì, tao đã thấy mất mát gì đâu mày kêu bị lừa, tới tai ổng lại cho mày đi cải tạo vì tội nói xấu cán bộ” Phúc lắc đầu tặc lưỡi.
“Chứ còn gì nữa, lão kêu bên đây toàn gái đẹp. Tao với mày ở đây cũng ngót một tuần, thấy được cô nào xinh tao không làm người” Tấn cải lại.
“À, thì ra chuyện này, ôi lão đùa mà mày cũng tin. Có vậy thôi mà mày nhìn bực dọc vậy hả?” Phúc đứng dậy, đưa tay đập đầu thằng bạn.
“Không phải, mày tin nổi không, ngày nay tao điên chịu không nổi, xíu nữa là phá bỏ quy tắc đánh cả phụ nữ ấy. Nếu mà tao không kiềm chế tốt, chắc ra tay luôn mất” Tấn vừa nói vừa bực bội.
“Ai mà làm anh Tấn nhã nhặn với phụ nữ của chúng ta khó chịu đến thế này, chắc cao cơ lắm đây. Kể tao nghe chuyện gì mà mày bỏ về với mấy lát thịt chưa được một lần gắp” Phúc cầm túi thịt xăm soi.
“Thì sáng nay, tao với mày được cho cái tem phiếu đặc biệt, lên nhận nửa cân thịt. Đấy là xuất hơi bị ưu tiên cho cán bộ mới được mời về hợp tác xã này đấy. Tao hăm hở đến cửa hàng mậu dịch, xếp hàng từ sớm. Đến lúc gần tới lượt, tao mắc quá chịu không nổi, loay hoay không biết làm sao. Bà bác đứng sau thấy vậy, bèn bảo tao, lấy cục gạch để đấy, bà ấy canh chỗ hộ tao cho. Tao mừng quá vớ liền cục gạch để đấy, nhờ bà bác ấy giữ chỗ, rồi chạy đi giải quyết.
Vừa được tí thoải mái, chạy về cục gạch của tao đã bị đá văng mất tiêu, bà bác kia cũng không thấy đâu. Tao ấm ức phải quay lại xếp hàng tiếp, muốn chửi thề lắm luôn”
Tấn đưa tay rót ly nước uống lấy sức rồi nói tiếp “Trời thì nắng, tao cũng ráng chịu, háo hức nhận nửa cân thịt, những nửa cân đấy mày biết trong thời buổi này, chừng đấy là…là vô cùng quý giá”
“Ừ, rồi sao nữa, mày kể tiếp đi, đừng nói nửa cân thịt nữa” Phúc nhìn Tấn với điệu bộ tiếc rẻ.
“Thì đến lượt tao, đứng cả buổi mệt hết cả người. Tao đưa cái tem phiếu ra, cứ nghĩ mình là kỹ sư được mời đến đây sẽ được phần riêng. Cái con mậu dịch viên mặt cứ vênh vênh lên như cái bánh đa nướng nó cầm tem phiếu nói gọn lõn “Hết thịt”
Tao nói lý với nó, nó quăng cho tao mấy lát thịt xót lại “Còn chừng đấy, không lấy thì về””
“Mày lại đi chấp mấy con đấy, thì mày còn bệnh hơn nó. Thôi nhịn đi mày, anh em ta còn ở đây dài. Bọn ấy mà để ý mình, thì cuộc sống sau này của tụi mình hơi bị thiếu thốn đấy” Phúc an ủi bạn
“Có ức không cơ chứ, được phiếu ưu tiên mà cuối cùng chả được gì. Mà cặp môi của con mẹ ấy tao nói thật, thái vội còn được hai dĩa đấy. Nhìn cứ như hai con đĩa trâu” Dù bực dọc Tấn vẫn bồi thêm được câu hài hước.
Ngày hôm sau, cả hai được phân công đến phân xưởng dệt vải, vì quên vài dụng cụ, Phúc quay về lấy. Lúc đến thấy Tấn cứ đứng thập thò ở gốc cây chưa chịu vào.
“Thế nãy giờ mày vẫn chưa vào ?”
“Ôi mày ơi, các em ở đây xinh đáo để. Tao mới thấy đã bủn rũn hết cả tay chân, không bước nổi, không dám vào mày ơi. Vào đấy chắc tao đứng đơ họng mất” Tấn giải thích.
“Cái đồ vô tích sự nhà mày ấy, để xem tao đây này” Phúc tự đắc.
Bên trong phân xưởng các cô công nhân đợi lâu vẫn chưa thấy các anh kỹ sư đến lắp máy, bèn bước ra ngoài. Thấy Phúc, Tấn lững thững đi vào đã đon đã.
“Sao mấy anh đến trễ thế này, làm chúng em đợi mãi” Có cô nhiệt tình quá mức còn ra kéo tay hai người.
Phúc lúc này mới thấm lời Tấn nói khi nãy, công nhận sống với đàn ông lâu quá rồi nay gặp được các cô mười tám, đôi mươi thế này mắt sáng hết cả ra. Lời gì muốn nói cũng bay sạch tong, chi biết tròn mắt nhìn các cô ấy.
“Công nhận bác Lắm nói chí phải thật đấy, tao phải ngàn lần cảm ơn bác ấy vì cho tụi mình đặc ân này” Phúc húc nhẹ Tấn.
Tấn cười ngoác cả miệng, gật đầu khí thế.
Một cô gái thấy họ bước đến vội đứng dậy, dáng người cao thon thả, bím tóc cột hai bên, nước da hồng hào , đôi mắt lúng liếng. Trên tay cầm theo một cặp sách.
“Này các cô, đừng làm mấy anh ấy sợ chứ, vào chỗ ngồi đi nào, để tôi còn giới thiệu” Cô ấy nhắc nhở các cô gái khác.
“Xin chào các anh ạ, em là Hòa, tổ trưởng ở phân xưởng dệt may này. Rất vinh dự cho chúng em khi mời được các anh tới đây hỗ trợ hợp tác xã” Cô ấy bước đến gần hai người đưa tay ra bắt.
Phúc và Tấn nãy giờ cứ như Trư Bát Giới rơi vào động tiên, mãi chưa hoàn hồn. Mãi chưa đưa tay ra bắt tay Hòa.
“Này mày nhìn người ta thất thố quá đấy, bình tĩnh lại đi mày” Tấn nói nhỏ với Phúc.
Lúc này Phúc mới giật mình, toan chỉnh trang lại mình đưa cả hay tay ra bắt tay Hòa. Bên cạnh các cô công nhân cười khúc khích.
Phúc mãi mới giới thiệu được tên tuổi của hai đứa, chào hỏi mọi người.
Hòa đưa cả hai đi khắp phân xưởng, giới thiệu họ với từng người, công việc của phân xưởng. Sau đó, cả hai bắt tay ngay vào việc với không khí say sưa, với một động lực thôi thúc. Họ nhiệt tình chỉ dạy các cô công nhân cách vận dụng máy móc mới.
Khi được chủ tịch hợp tác xã đến chào hỏi động viên, cả hai đã không dấu nỗi niềm vui mừng, bày tỏ muốn ở lại nơi đây dài lâu.
“Tôi cũng muốn được giữ lại các cậu ở đây lâu dài để giúp chúng tôi nhiều, chỉ sợ bác Lắm bên hợp tác xã các cậu lại không cho thôi.”
“Dạ tụi em tình nguyện ở lại đây đến khi nào không có việc cho tụi em mới thôi bác ạ” Cả hai vui vẻ.
“Thanh niên như các cậu thích thật đấy, nhiệt huyết thật” Bác chủ tịch lại vỗ vai từng người.
“Dạ, còn có lý do khác đấy bác ạ” Phúc cười hàm ý.
“À, à, tôi biết tỏng các cậu rồi nhé. Được được, cứ thoải mái tìm hiểu nhé, nếu ưng thuận cứ nói với tôi, tôi tác hợp cho. Có cớ giữ các cậu ở đây luôn.” Bác chủ tịch cười thích thú, đưa tay đội mũ cối lên đầu, dắt cả hai đi dạo.
Thế là, Phúc và Tấn đã tìm thấy niềm vui trong công tác, không còn ủ rũ, than vãn như tuần đầu tiên. Sáng sớm, tập thể dục, xách nước, dọn dẹp phòng và đi làm còn sớm hơn cả các cô công nhân. Được các cô ấy xem trọng, cả hai càng thêm động lực làm việc.



Một buổi chiều, sau khi làm việc về, Phúc đến cửa hàng mậu dịch xếp hàng để mua thức ăn chuẩn bị cho bữa tối. Nhìn xung quanh toàn là các bác gái, các cô làm Phúc hơi ngại, lúc đó từ xa Hòa đang phụ giúp cửa hàng mậu dịch sắp xếp lại một số mặt hàng, thấy Phúc đang xoay trước, ngó sau, điệu bộ vô cùng buồn cười. Cô bước tới gần.
“Chào anh Phúc, anh đi mua hàng đấy ạ?”
“À, vâng chào cô Hòa, hôm nay đến phiên tôi đi mua hàng, mà toàn là nữ ở đây, tôi có hơi lúng túng” Phúc thành thật.
“Nếu anh ngại, đưa tem phiếu đây, em mua hộ cho. Em có người quen làm ở đây” Hòa ngỏ ý giúp Phúc.
“Được thế thì mừng quá, đây cô mua giúp tôi với, để tôi nhường chỗ lại cho người ta” Phúc đưa tem phiếu cho Hòa.
Một lát sau, Hòa xách ra cho Phúc túi đồ mà anh mua.
“Ôi cảm ơn cô Hòa nhé, lần sau có việc gì cô nhờ tôi sẽ giúp ngay” Phúc nhận lấy túi đồ
Hòa lắc đầu “Không có gì mà anh, quan tâm đến các anh thì cũng là việc nên làm mà. Em chỉ thay mặt hợp tác xã thôi”
“Tôi đến đây cũng chưa biết xung quanh nhiều, hôm nào cô Hòa rảnh rỗi dẫn tôi đi tham quan nhé” Phúc chờ Hòa trả lời.
Cô ngay lập tức cười đồng ý “Dạ, đương nhiên ạ, hay là chiều chủ nhật này đi. Anh cứ đến đây chờ em nhé, rồi em sẽ dắt anh đi tham quan nơi đây”.
Về nhà Phúc kể cho Tấn nghe chuyện hồi chiều, Tấn không ngớt lời ganh tị
“Sao mày sướng thế không biết, được em Hòa xinh đẹp mua hộ đồ, còn hứa dẫn đi chơi. Chẳng như tao, toàn gặp cái con mẹ đĩa trâu, trông ngứa hết cả mắt. Tao bắt đền mày đấy, tao cũng thích em Hòa cơ mà”
“Thích thì làm gì nào, em ấy chỉ hứa dắt tao đi chơi thôi” Phúc lấy khăn đang lau đầu ném vào mặt Tấn.
“Tao về mách bác Lắm, mày mê gái lơ là công tác, bỏ bê quần chúng” Tấn dương cổ lên nói lý.
“Tao thách mày, xin mời, xin mời. Tao sẽ nói với ông ấy, lần trước mày nói xấu ông ấy”
Cả hai cứ thế kiếm cớ nói qua nói lại rồi đấm đá lẫn nhau.



Để chuẩn bị cho chiều chủ nhật đi chơi với Hòa, Phúc cứ đi ra đi vào, lo lắng không biết mặc đồ gì cho vừa ý, vì xem đi xem lại chỉ có vài bộ quần áo cũ sờn.
“Mày sao vậy? Đi chơi với người đẹp mà hoang mang thế, hay để tao đi thay nhé.” Tấn nói khích.
“Mày xem đi, áo quần tao cũ mốc meo luôn rồi, chả kiếm được bộ nào ra hồn. Năm vừa rồi cơ quan thưởng vải, mỗi đứa đủ may một cái ống quần, tao nhường phần mày may thành nguyên cái rồi. Nên tính ra 2 năm nay tao không có đồ mới.” Phúc trách móc.
Tấn nhìn Phúc đồng cảm, rồi nảy ra ý tưởng “À, à, đây tao có cái này cho mày”
“Cái gì, đừng có bày trò đấy” Phúc nghi ngờ.
Tấn lôi cái rương gỗ dưới gầm giường, lôi ra một bộ đồ “Mày xem đi, đây là bộ đồ mà ông anh tao cho tao từ năm ngoái, lúc ra đây thăm tao. Mày mặc vào thử, vẫn còn mới đấy nhé”
“Cái thể loại gì thế này, áo gì mà bó như cây chả, quần ống loe rộng như chổi quét nhà. Thôi tao không mặc đi đâu, nhìn kinh quá.” Phúc nhìn bộ đồ mình đang mặc trên người.
Tấn cản lại “Mày để im, tao xem, ông anh tao kêu trong Nam người ta đang chuộng mốt mặc đồ thế này đấy, thế mới sành điệu. Mày là người đầu tiên mặc thể loại này ở đây đấy. Nhìn cũng ngon lành phết.”
“Thật không đó mày? Sao tao vẫn thấy kỳ cục quá” Phúc vẫn hơi ngần ngại.
“Mày phải tin vào mắt nhìn của tao, và cả anh họ tao nữa. Nếu không đẹp ổng cho tao làm gì. À còn cái này nữa, phải làm luôn cho đủ bộ” Tấn vào bếp rồi đi ra.
Tấn đưa hai tay vuốt vuốt tóc cho Phúc
“Sao mày lại lấy mỡ lợn bôi lên tóc tao vậy? Mày điên à?” Phúc bực mình.
Tấn cản “Mày để yên, tao đang vuốt cho tóc mày trông bóng bẩy hơn, mày có nhớ hồi tao với mày được lên Hà Nội xem chiếu bóng không? Cái ông diễn viên ấy tóc bóng lộn cả lên, thế mới đẹp. Mày lại soi gương xem, quá hoàn hảo còn gì, tóc tai bóng loáng. Quần áo bảnh bao, ai còn đẹp hơn mày nữa.”
Phúc soi gương thấy mình nhìn hơi lạ, nhưng cũng có phần bảnh bao hơn đúng theo lời Tấn nói, Phúc thêm tự tin đi đến cửa hàng mậu dịch đợi Hòa.
Vài bác lớn tuổi đi qua nhìn kiểu ăn mặc của Phúc tỏ vẻ khó chịu, nhỏ to với nhau “Xem kìa, thanh niên bây giờ ăn mặc kiểu gì thế kia không biết đúng là kệch kỡm”
“Hình như nó là kỹ sư được mời về đấy”
“Trông ăn mặc lai căng, cái thể loại áo gì mà ôm sát, chả biết nó thở bằng cách nào. Dám chắc cái ống quần như thể cái chổi quét nhà của nó đi tới đâu lá cây bay theo tới đấy”
“Nhà nước thì không có đủ vải cung cấp cho dân may đồ, nó ăn mặc phung phí thế đấy, hai cái ống quần đó phải may thêm được nửa cái nữa”
“Tóc tai bóng lộn như thể nhúng vào chảo dầu ấy nhỉ”
Phúc đứng trân trối, mặt đỏ gay nghe lời bóng gió của các bác, không nói được câu nào, tính quay về nhà thay đồ. Gặp ngay các cô công nhân đi ngang qua kéo lại.
“Ôi, nay anh Phúc nhìn khác quá, đẹp trai chưa kìa, nhìn lạ quá đi mất”
“Phải đó, bình thường thấy anh nghiêm túc thế, không ngờ cũng chau chuốt thế. Lâu lâu phải thế này cho chị em chúng em rửa mắt nhé”
Các cô ấy cười đùa với nhau, Hòa chưa đến làm Phúc sốt ruột. Trời thì vẫn nắng gay gắt, cái đầu tóc bóng nhầy của Phúc sắp chảy mồ hôi.
“Xin lỗi anh, em đến hơi trễ, mình cùng đi nhé” Hòa đập nhẹ vai Phúc, cười hiền hậu.
Phúc hơi giân vì đợi lâu, nhưng vừa nhìn thấy Hòa mọi bực tức tan biến hết. Hai bím tóc thường ngày hôm nay được xõa ra, vén nhẹ lên vành tai. Hòa mặc một chiếc áo hồng giản dị, xinh xắn.
Hòa bước đi trước, Phúc lững thững theo sau, cả hai chẳng nói lời nào, Phúc nghe thoang thoảng trong gió mùi hương bưởi, quyện với sả chanh thơm ngát từ tóc Hòa. Phúc cố tình đi lại gần Hòa hơn.
“Nay em dẫn anh Phúc đi thăm sông nhé, xem người dân đánh cá” Hòa quay qua nhìn Phúc, bắt gặp anh mắt anh nhìn cô, còn đi sát bên cạnh. Hai má Hòa đỏ hồng, vội quay đi chỗ khác.
Phúc biết ý vội cách ra, mồ hôi từ trên đầu chạy xuống, tóc tai bết lại. Nguyên đầu tóc bóng bẩy được Tấn tạo ra giờ đã bầy nhầy. Phần vì trời nắng, phần vì có chút hồi hộp, mồ hôi chảy xuống mắt cay xè, Phúc đưa tay dụi, càng thêm cay. Hòa rút ra từ trong túi chiếc mùi xoa thêu, đưa lên lau mắt cho Phúc, Phúc vô tình cầm lấy tay Hòa, cả hai giật mình, mỗi người tránh sang một bên ngại ngùng.
“Đây anh cầm lấy mà lau mồ hôi, mới đi có một lát mà sao tóc tai ai cứ bết hết lại, chắc nóng quá hả anh?” Hòa đưa khăn mùi xoa cho Phúc.
“Cảm ơn em nhé, chắc do trời nóng” Phúc đưa tay cầm lấy khăn, lòng thầm hận thằng bạn quá tốt, khiến mình ra nông nỗi này.
Cả hai đứng dưới một gốc cây, trú nắng, nhìn thẳng ra sông, gió mát nhẹ thổi vào, trên sông có vài bác ngư dân đang quăng chai lưới. Hòa say sưa kể cho Phúc nghe về cuộc sống nơi đây, có chút tự hào, vì chính nơi cô sinh ra. Phúc chỉ biết gật gù cho qua, vì bản thân càng lúc càng khó chịu với cái cái áo ôm sát khi trời đang nóng.



Cả hai nghe từ đằng sau như có tiếng người cải vã. Phúc và Hòa bước tới chỗ có tiếng ồn ào. Phát hiện nãy giờ Tấn đang cải nhau với một người phụ nữ.
“Ơ sao chị Nhàn lạ ở đây thế ?” Hòa hỏi người phụ nữ đang cải nhau với Tấn
“Còn mày sao lại đi theo tao vậy?” Phúc đá vào chân Tấn.
“Thì tao chỉ muốn đi theo xem mày có cần giúp gì không thôi mà” Tấn nhe răng cười chữa cháy.
“Nói láo, rõ ràng tôi thấy ông theo hai người này từ cửa hàng mậu dịch, rồi cứ thập thập thò thò ở bụi rậm. Rõ ràng là nghe lén, bộ dạng thiếu đứng đắn.” Nhàn nghiêm túc trình bày.
“Cô đừng có xuyên tạc, tôi thiếu đứng đắn lúc nào ” Tấn cự lại
“Chắc có hiểu nhầm ở đây thôi, để em giới thiệu nhé, đây là anh Tấn bạn anh Phúc, họ là kỹ sư sửa máy, đang phụ giúp bên xưởng dệt. Còn đây là chị Nhàn, chị họ em” Hòa xoa dịu không khí.
“Kỹ sư đây sao? Một kẻ miệng lưỡi đanh đá không kém phụ nữ, một kẻ ăn mặc vô văn hóa” Nhàn nhìn tổng thể một lượt.
Tấn nghe chột dạ “Cô nói ai ăn mặc vô văn hóa, mặc thế này ảnh hưởng gì tới ai mà cô kêu vô văn hóa”
“Ăn mặc thiếu trên thừa dưới, đàn ông mà mặc áo ôm như thế kia sao, quần còn rộng hơn cả váy, tóc tai bóng lộn cả lên. Anh ta quá chau chuốt cho hình thức bản thân, đề cao chủ nghĩa cá nhân trong khi nước nhà thiếu thốn” Nhàn đay nghiến một tràng.
Phúc nuốt không trôi lời giáo huấn nghiêm chỉnh vừa rồi. Nhìn Tấn cay đắng
Tấn nói nhỏ vào tai Phúc “Tao đã nói mày rồi con mẹ mậu dịch viên này nó chua ngoa lắm, vì nó mà tao với mày mất nửa cân thịt đấy”
“À thì ra đây là cặp môi “đĩa trâu” của mày đấy hả?” Phúc bất giác nói lớn khi nhận ra người quen.
Tấn đưa tay bịp miệng thằng bạn không kịp
“Anh vừa nói gì vậy?” Nhàn trừng mắt nhìn Phúc.
“Có nói gì đâu, chỉ là nhận ra người mà thằng bạn tôi thầm thương trộm nhớ thôi, tôi cũng hiểu sao nó lại đi thích cái thể loại thích chỉ dạy người khác như cô. Tư tưởng, chính sách, chúng tôi được ban văn hóa, đời sống phổ biến hàng tháng, hàng năm, không cần cô nhai lại đâu” Phúc đáp lại.
“Tôi không rỗi hơi với mấy người lỗ mãng, không tiếp thu ý kiến để sửa đổi như mấy người” Nhàn quay người đi thẳng, Hòa vội vàng chạy theo sau “Chị Nhàn, đợi em với”. Hòa quay ra sau vẫy tay chào Phúc và Tấn, khuôn mặt khó xử,  rồi tiếp tục chạy theo Nhàn đang giận dỗi bước nhanh.
Tấn đánh vào đầu Phúc một phát “Tao thích cái cặp môi đĩa trâu ấy hồi nào, mày nói cho nó thêm kiêu vậy, tao đâu có bị lộn tròng. Mày xem từ nay trở đi anh em ta ăn gạo mốc dài dài.”
Phúc không kém cạnh, đánh lại “Tao chưa hỏi tội mày theo rình mò tao đâu đấy, còn biến tao thành thằng hề cho cả hợp tác xã này xem, cả ngày hôm nay đúng là bi kịch. Cái quả đầu của tao, sắp chiên cá được luôn đấy”
“Tạo định theo giúp mày, lỡ lúc mày cần” Tấn thanh minh.
“Ừ, tốt thế, vậy để tao hậu đãi mày nhé” Phúc túm áo lôi Tấn xuống sông, Tấn cũng không để Phúc thoát, cứ thế cả hai đùa nhau dưới con sông đầy nắng chiều, như hai đứa trẻ vẫn thường nô đùa dưới sông quê, cứ thế đến tận tối mịt mới về tới nhà.
5h sáng, kẻng đánh vang khắp hợp tác xã, nhân viên khu tập thể mau chóng chạy ra sân tập thể dục theo tiếng trống 15 phút. Sau đó, ăn sáng và bắt đầu làm việc.
Chỉ còn vài tháng nữa đến tết, nên công việc của xưởng dệt cũng tăng gấp đôi cho kịp tiến độ, và thành tích mà cấp trên đã đề ra. Khi tiếng kẻng chiều vang lên, nhiều công nhân vẫn chưa được nghỉ, họ cố gắng tăng ca, tiếng dệt đêm đêm vẫn đều đặn. Và công việc của Phúc và Tấn cũng tăng lên. Hai người thay phiên nhau tăng ca cùng các cô công nhân.
“Này cho anh” Hòa chìa một nắm cơm gói trong lá chuối với một ít muối đậu cho Phúc.
“Ôi sao em tốt với anh thế này, đang tưởng đêm nay ngủ bụng trống” Phúc vô cùng vui mừng nhận lấy.
“Thấy anh tăng ca, sợ khi chiều ăn không đủ no, không có sức, nên em phần anh cái này” Hòa chân thành.
Phúc vui trong lòng không tả xiết, cả hai cứ chầm chậm đi bộ trên đường về, chốc chốc Phúc lại nhìn Hòa qua ánh trăng mờ mờ. Tay nâng cơm nắm, không nỡ ăn. Về đến nhà Phúc vẫn để trên bàn say sưa ngắm.
Lúc đi tắm ra đã không thấy đâu nữa
“Mày ăn cơm của tao phải không?” Phúc tra hỏi Tấn đang nằm trên giường.
“Ai biết, tao cứ tưởng mày thương tao, đem phần về, sợ tao ở nhà ăn chưa no” Tấn đưa tay phủi chút muối đậu còn dính trên miệng, cười xuề xòa.
“Thằng khốn này, cái Hòa cho tao mà, tao chưa kịp ăn. Mày chỉ được cái ngư ông đắc lợi” Phúc dơ tay đinh đấm cho Tấn một phát.
Tấn né qua bên “À thì ra tình chàng ý nàng hả. Thôi mày không nỡ ăn để tao ăn dùm, kẻo phí cả cơm nhà nước. Lần sau kêu em ấy làm tiếp cho. Tao no say rồi đi ngủ đây, hê hê”
“Để tao tiễn mày thăng luôn nhé” Phúc lấy gối đè xuống mặt Tấn nện vài phát.
Đêm nằm Phúc cứ trằn trọc, lòng lâng lâng cảm giác nhẹ nhàng, hình ảnh Hòa với nụ cười xinh xinh, và hai bím tóc cứ hiện lên trong đầu. Tim Phúc lại đập rộn ràng.
Trên loa hợp tác xã sáng sớm đã thông báo, tối nay có đoàn chiếu bóng về trung tâm huyện. Lâu lắm mới có dịp vui thế này. Từ sớm mọi người đã háo hức đi bộ quãng đường xa để đến sân trung tâm văn hóa huyện đặt gạch, nhất là lũ trẻ con, đến ngồi chật cả sân. Tấn và Phúc mãi đến lúc tan ca xong mới đạp xe ghé qua được.
Tấn vừa đến đã vội vã kiếm chỗ gần mấy cô gái trẻ trung cười đùa, bắt chuyện. Phúc đứng cạnh anh chiếu bóng. Nhìn anh say sưa làm việc, và cả không khí nhộn nhịp của các khán giả đang chờ mong, Phúc thầm nghĩ không biết liệu sau này, khi cuộc sống phát triển hơn thì có còn những giây phút đông vui thế này không. Mọi thứ lúc này thật thiếu thốn, nhưng tình cảm thì ấm áp hơn cả và mỗi món ăn tinh thần trở nên vô giá.
Không khí trở nên nhộn nhạo, bên dưới trầm ngâm khen ngợi diễn viên chính, dưới phông nền đen trắng, người ta tha hồ tưởng tượng ra cảnh trí muôn màu ở thế giới ngoài kia qua một bộ phim Liên Xô cũ. Đến cảnh nam chính, dắt tay nữ chính đi trên cánh đồng tuyết mùa đông trắng xóa, dân tình bên dưới trầm trồ không ngớt, thêm ngưỡng mộ, mộng mơ. Đến cảnh họ nhìn nhau say đắm, ai cũng đắm chìm vào đó, lũ trẻ con trong xoe mắt cười khúc khích. Các cụ bà ngồi bên cạnh thay phiên nhau chép miệng, cho mấy cảnh thiếu đứng đắn của các thanh niên trong ảnh.
Đến cảnh quan trọng nhất, hai người tiến đến, sắp hôn nhau. Khán giả ở dưới tâm trí đã dành trọn cho màn ảnh, thì anh chiếu bóng buộc lòng phải lấy màn đen che lại, để phù hợp với thuần phong mĩ tục, tránh làm hư thanh niên.
Bên dưới nhiều bạn trẻ la ó, muốn xem hết, thì bị các cụ mắng nhiếc vô văn hóa, thiếu đạo đức, xem thường lề lối kín đáo, đoan chính của truyền thống.
Kiêu xem phim đến những cảnh được mong chờ nhất thì lại bị che đi, khiến người xem vừa tức, vừa tò mò. Nhưng cuối cùng, bộ phim đã khép lại với khung cảnh hạnh phúc cũng khiến cán khán giả trẻ thích thú.
Lúc ra về, ai nấy đều xôm tụ bàn tán, cười khúc khích, ước mong được sống như các anh tây, cô tây trong phim. Phúc loay hoay tìm mãi không thấy Tấn, ra chỗ lấy xe đạp, dẫn lòng vòng quanh chỗ chiếu phim vẫn không thấy Tấn, người người ra về tấp nập. Chợt vạt áo của Phúc khẽ giật như có ai nắm. Phúc quay lại thấy Hòa
“Anh cho em về chung với nhé, em tìm chị Nhàn mãi chẳng thấy”
“Em cũng đi xem phim à? Lâu rồi anh mới thấy đông cui thế này. Thôi cứ lên đây anh đèo về” Phúc quyết định không tìm Tấn nữa, tận dụng cơ hội đi cùng Hòa.
Cả hai dắt bộ một đoạn, đợi ngớt người mới bắt đầu lên xe.
Cả hai cứ ngồi im trên xe, chẳng nói chẳng rằng với nhau câu nào. Phúc cứ chuyên tâm lái xe, còn Hòa nghiêm túc để hai tay trên đùi, kiểu cách của thanh niên điển hình bấy giờ. Đi chung xe với con trai, đêm hôm thế này, còn không phải là người yêu gì, dễ bị dị nghị. Nên cả hai cũng ngại.
Lúc xe đi ngang một đoạn cua, Phúc thắng gấp, làm Hòa ngả người về phía trước tay vịn vào lưng Phúc.
“Anh xin lỗi, tại trời tối nên anh đi ẩu quá” Phúc vội vàng.
“Dạ không sao đâu, anh cẩn thận hơn là được” Hòa đáp lại, trong đêm không thể nhìn thấy khuôn mặt Hòa đang ửng hồng vì ngại, hai lỗ tai cô cũng nóng ran.
Đưa Hòa về tới nhà, Phúc có cảm giác cứ lâng lâng trong lòng, lần đầu trong đời đèo con gái, sau mẹ và cô em gái. Cảm giác vui vui trong lòng chưa được bao lâu đã thấy bản mặt sấn sổ của Tấn chực sẵn.
“Mày đi đâu, để tao tìm mãi chẳng thấy, khổ sở lắm tao mới về được tới đây mày biết không”
“Khiếp, từ đấy về đây, có 2 cây số, mày làm như xa lắm ấy. Tại cái tội cứ theo mấy cô em xinh xinh, tao tìm mấy vòng không thấy nên đi về” Phúc dắt xe đạp vào phòng.
“Chứ không phải chở cái Hòa về à? Tụi mày là ghê lắm nhé, tình trong như đã mặt ngoài còn e” Tấn nhìn tinh quái.
“Thì sao, còn mày sao còn về đây trước tao thế, không phải cũng được vinh dự chở người đẹp nào về đấy chứ ?” Phúc hỏi ngược lại.
“Ừ thì, mà tại mày đấy, làm tao khốn đốn. Phải theo năn nỉ cái Nhàn mậu dịch viên, hên nó còn thương tình. Khiếp chở nó về, không gian im thin thít, tao còn nghe được tiếng tim đập nữa đó mày.” Tấn kể sinh động.
“Thật á, hay nhé, tao thấy chúng mày cũng xứng đôi vừa lứa phết. Cứ gặp nhau cải nhau suốt, mà oan gia như thế khéo yêu nhau lúc nào không hay” Phúc gán ghép.
“Thần kinh, hoang tưởng, vớ vẩn” Tấn lắc đầu
“Không phải thì thôi, sao mặt mày đỏ thế” Phúc trêu chọc.
“Khi nào? Chú cứ nói bừa, thôi anh đi tắm phát đã, nực hết cả người” Tấn đứng dậy.
“Tắm cho tỉnh lại, chứ nãy giờ bị em Nhàn hớp hồn mất rồi” Phúc tiếp tục chọc.
Tấn vớ lấy khăn mặt, đập vào đầu Phúc một phát rồi bước đi. Thực tình trong lòng cũng không hiểu những lời Phúc nói thật hay không, nhưng công nhận hôm nay Nhàn cũng dễ thương hơn mọi ngày.
Ngoài trời, lá cây bắt đầu thay lá, cái rét căm căm đã bớt phần nào, không khí mùa xuân gần sang làm trời rạng rỡ hơn, và lòng mỗi người thêm phần nôn nao. Tết là dịp mà trong năm mọi người trông chờ, không phải vì năm mới sang mang theo hy vọng mà còn vì trẻ con sẽ được ăn ngon và đủ đầy, được diện những bồ đồ đẹp mà cả năm mới có. Cả người lớn cũng hân hoan vì sẽ được nghỉ ngơi sau một năm dài, được cùng con cái ăn những bữa ngon. Và quan trọng hơn là đợi những đứa con ở xa trở về.
Phúc và Tấn đến hợp tác xã dệt may đã được nửa năm, đã dần trở nên quen thuộc. Chỉ còn vài ngày nữa là được nghỉ tết. Tấn thì vui sướng ra mặt, háo hức về thăm mẹ. Phúc thì vừa vui, vừa có gì đó bồn chồn trong lòng. Không biết từ lúc nào Phúc lại có cái cảm giác quyến luyến, và buồn buồn nếu rời xa nơi này. Có thể nơi này đã có một cô gái mà Phúc yêu mến.



Phúc rủ Hòa đi dọc bờ sông, bên bờ, những bông cỏ lau xô nghiêng mềm mại khi những đợt gió thoáng qua, hai bím tóc của Hòa tung tăng theo từng bước chân cô, và đôi má ửng hồng hây hây dưới ánh nắng.
“Hòa này, hai hôm nữa anh về nhà rồi, chắc đến hai tuần nữa mới gặp lại em. Cơ mà sao anh thấy nó lâu thế không biết” Phúc đưa tay bứt bông cỏ lau.
“Vâng” Hòa khẽ gật đầu.
Phúc bần thần một lúc mới nói được “Anh hỏi thật nhé, đã có ai ngỏ ý với em chưa?”
Hòa khẽ lắc đầu
Phúc có chút mừng, như mở cờ trong bụng. Anh cầm từ trong túi quần ra một chiếc kẹp hoa thật đẹp, ai đi mua từ dịp xuống chợ huyện.
“Cho em này” Phúc chìa chiếc kẹp xinh xinh trong lòng bàn tay.
Hòa nhận lấy “Cảm ơn anh”
“Để anh kẹp cho em nhé” Phúc lấy chiếc kẹp hoa nho nhỏ, kẹp lên tô điểm thêm  cho mái tóc đen nhánh của Hòa.
Buổi xế chiều, Tấn và Phúc kết thúc ngày làm việc cuối cùng, cả hai thu dọn đồ đạt, đi chào và chúc tết một lược các anh chị cán bộ trong khu tập thể trước khi ra về. Họ gặp Hòa trước cổng, Hòa gửi biếu hai người ít bánh cô tự làm, làm quà cho các anh. Tấn biết ý, chào Hòa, dắt xe tản bộ đi trước để Phúc với Hòa trò chuyện.
Dù trong lòng mỗi người có nhiều điều muốn nói, nhưng chẳng ai mở lời được câu nào.
Mãi một lúc lâu sợ Tấn sốt ruột, Phúc lên tiếng “Thôi, anh về nhé, em ăn tết vui vẻ. Tết xong anh quay lại.”
Phúc vỗ nhẹ vai Hòa, rồi đeo ba lô lên vai, bước đến chỗ Tấn đang đứng đợi.
“Anh cũng ăn tết vui vẻ nhé, bánh em làm về chia cho mọi người với anh nhé” Hòa níu nhẹ vạt áo của Phúc.
Phúc quay nhìn Hòa, mỉm cười gật đầu.
Ngồi sau xe Tấn, đi một đoạn xa, trời tối dần. Chợt Phúc nhảy xuống xe.
“Gì vậy mày?” Tấn bóp phanh, tay lái loạng choạng.
“Mày xuống đây đợi tao lát, tao để quên cái này” Phúc đưa tay nắm lấy đầu xe.
“Gì mà quan trọng dữ vậy?”
“Thì cứ đưa xe đây, hỏi nhiều” Phúc vội leo lên xe đạp ngược lại.
Hòa đang lững thững đi bộ về nhà, nghe phía sau có tiếng xe đạp vội. Phúc đạp đến gần Hòa ném hẳn xe qua một bên. Hòa giật mình trợn tròn mắt.
“Anh có một chuyện muốn nói với em, nếu không nói hôm nay không biết hôm nào anh mới có can đám nói tiếp” Phúc vừa nói vừa thở.
“Anh nói đi, em nghe đây” Hòa nắm chặt hai tay, bối rối.
“Về làm vợ anh nhé !” Giọng Phúc lúc này vô cùng ấm áp.
Hòa phải một lúc lâu mới nghe được cậu nói Phúc vừa nói. Cô không biết nói gì.
“Em không cần trả lời ngay đâu, cứ từ từ suy nghĩ. Chắc là do anh vội vàng quá” Phúc đưa tay dựng chiếc xe đạp, nhủ bụng chào Hòa rồi đạp xe đi, tránh làm cô khó xử.
“Em đồng ý” Tiếng Hòa ngọt ngào, nhỏ nhẹ.
“Thật sao?” Phúc vui quá thả chiếc xe đạp ngã xõng xoài trên mặt đất, ôm lấy Hòa.
Nhưng mau chóng buông ra vì cảm thấy hơi thất thố, sợ ai bắt gặp lại mang tiếng cho Hòa, thanh niên thiếu đứng đắn. Chỉ dám cầm tay Hòa, lần đầu tiên sau hơn nửa năm quen biết. Hòa theo tiễn Phúc một đoạn rồi cả hai chia tay nhau.
“Em đợi anh nhé, anh về báo với thầy u, với cơ quan. Tết xong anh qua xin cưới em” Lúc này hai người mới buông tay nhau ra. Phúc đạp xe về  quê với khí thế như mở cờ trong bụng.



Mùa xuân năm 1987
Sau tết vài tuần, đám cưới của Hòa và Phúc diễn ra hết sức ấm cúng tại hợp tác xã dệt may, bác chủ tịch hợp tác xã Lắm phấn khởi khi được làm ngừoi đại diện nhà trai phát biểu. Bên dưới bạn bè, người thân, sum họp quanh các bàn tiệc đơn sơ, gồm vài đĩa bánh kẹo và nước chè.
Cô dâu chú rễ, giản dị trong những bộ đồ mới, được cơ quan cấp vải đặc biệt cho cặp đôi mới cưới đều là cán bộ tiên tiến của hợp tác xã. Hòa xinh xắn trong chiếc áo dài trắng được chính chị Nhàn đi may cho và đội voan nhẹ trên đầu. Cả hai vợ chồng cười hạnh phúc. Trên mái tóc của Hòa có điểm xuyến bằng chiếc kẹp mà Phúc tặng cô. Hai người đi đến từng bàn chúc nước thay cho rượu, nhận những lời chú mừng, những cái nắm tay dặn dò, chân tình.



Giọng hát của Nhàn vang khắp hội trường, tiếng hát lãnh lót, sôi nổi ca khúc “Cô gái mở đường”, mọi người vừa vỗ tay vừa hát theo. Tấn ngỡ ngàng không ngờ cô Nhàn đanh đá ngày nào lại có giọng hát hay đến vậy, một cây văn nghệ của hợp tác xã dệt may Thắng Lợi. Tấn lấy ngay một bông hoa lên tặng Nhàn và mời Nhàn song ca bài “Con kênh ta đào”. Mọi người hò reo thích thú. Ca khúc làm thanh niên thêm khí thế, phấn trấn, cả cô dâu và chú rễ cũng vỗ tay tưng bừng cho cặp đôi oan gia, ngẫu hứng này.
Hát xong Tấn xuống ngồi cạnh “Nay cô Nhàn xinh thế không biết, lại còn hát hay nữa chứ, tôi bất ngờ ghê”
“Vẫn cái giọng điệu xỏ xiên” Nhàn lườm
“Đâu, tôi nói thật đấy chứ. Cô cứ không tin tôi, mà sao lườm khiếp thế, nữ tính lại, như cái lúc lên hát đi.  Này cô là chị họ Hòa mà nhường cho em đi trước không thấy buồn sao?” Tấn bốc viên kẹo mời Nhàn.
“Cũng có đôi chút, nhưng thấy mừng cho nó mà” Nhàn nhận viên kẹo.
“Này tôi hỏi thật, đã có mối nào chưa thế?” Tấn xoay xoay ly nước chè trên bàn.
“Biết rồi còn hỏi, chua ngoa như tôi thì ai thèm thích chứ” giọng Nhàn có chút miễn cưỡng.
“Cô cũng nhận ra đươc điều đó à? Ha ha” rồi thấy mình hơi quá Tấn bèn an ủi “Nói vậy chứ, cô cũng đừng thiếu tự tin vào bản thân mình quá, mỗi người đều có nét duyên riêng”
“Thật á? Anh đừng có mà an ủi nhé” Nhàn nghi ngờ
“Không tôi nói thật, cứ như thế này, ăn nói từ tốn ai mà chả thích” Tấn có ý khen
Mặt Nhàn lúc này cũng tươi hơn đôi chút
Tấn nhìn xung quanh một hồi rồi ghé sát nói nhỏ với Nhàn “Nếu chưa thích ai thì Nhàn cho Tấn cơ hội tìm hiểu nhé”
Nhàn tự nhiên đỏ ửng mặt, đẩy Tấn ra, sợ mọi người xung quanh để ý.  Nhàn bẽn lẽn cười “Thì tùy anh đấy”.
Hai người đang bên ngại, bên vui. Cô dâu chú rể cũng bước tới gần. Tấn bước hẳn ra choàng vai bá cổ bạn, chúc tụng rối rít. Cả bốn người cùng cười, nâng chén trà chúc tụng lẫn nhau, trong không khí mùa xuân ấm áp và niềm hy vọng mới cho tương lai.
Denley Lupin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LIỀN KỀ GREEN PARK VĨNH HƯNG LIỀN KỀ GREEN PARK